Tín hiệu hồi phục từ thị trường
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, gần 50% số doanh nghiệp (DN) thuộc VSA có doanh thu sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong quý I và II. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2020, sản xuất thép các loại của các DN thành viên chỉ đạt hơn 11,6 triệu tấn (giảm 8,1% so cùng kỳ năm 2019); tiêu thụ đạt hơn 10,4 triệu tấn (giảm 10,7% so cùng kỳ năm 2019). Ðặc biệt, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt hơn 1,8 triệu tấn (giảm tới 24,6% so cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, kể từ tháng 7, các DN đã có sự phục hồi đáng kể. Tính chung trong năm 2020, sản xuất thép các loại đạt khoảng 24 triệu tấn (tăng 1% so năm 2019); tiêu thụ thép các loại đạt hơn 21 triệu tấn (giảm 0,9% so năm 2019). Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt gần 8 triệu tấn với trị giá đạt 4,19 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới. Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép ở những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định ngành thép sẽ còn có triển vọng tích cực trong năm 2021 khi có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Các chuyên gia cũng dự báo nhu cầu thép trong năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5% so với năm 2020. Khi đó, vật liệu xây dựng nói chung, thép nói riêng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất, trong đó có các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc bắc - nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Ðặc biệt, thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm 2021 cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, với một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, sẽ mang đến kỳ vọng cho ngành thép có thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao. Ngoài ra, sự phục hồi mạnh mẽ về tiêu thụ trong nước từ cuối quý II-2020 khi hoạt động xây dựng các công trình, nhà ở trở lại bình thường nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam cũng đã giúp các DN ngành thép đảo ngược tình thế.
Ðiển hình là kết quả năm 2020 của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho thấy, DN này đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, thậm chí một số chỉ tiêu chính tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Theo đó, Vnsteel đạt doanh thu thuần 78.169 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ đạt 2.488 tỷ đồng (bằng 163,8% kế hoạch năm 2020); lợi nhuận trước thuế đạt 891 tỷ đồng. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 30 nghìn tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 260 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2021, Vnsteel sản xuất hơn 2,5 triệu tấn phôi thép, tăng 6,5% so với năm 2020. Tập đoàn Hòa Phát mới đây cũng công bố doanh thu đạt 91.279 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 41% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng. Riêng quý IV đạt mức lợi nhuận kỷ lục hơn 4.660 tỷ đồng, gấp 2,42 lần so cùng kỳ năm trước.
Cần tận dụng tốt các cơ hội
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða đánh giá năm 2020 là một năm đầy biến động đối với ngành thép do dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị co lại, nhu cầu về thép, giá cả sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại do Chính phủ đã có các biện pháp kiểm soát dịch tốt, khiến nhu cầu về thép bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt trong quý IV. Trong năm 2021, dự báo Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội lớn khi các DN nước ngoài đẩy mạnh việc đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. Ðồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển. Ðể nắm bắt tốt cơ hội, các DN ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có hoạch định, chiến lược phát triển ngành thép theo chiều sâu, hạn chế cho phép mở thêm những nhà máy sản xuất thép xây dựng mới, hướng các DN đầu tư vào công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm thép đặc chủng chất lượng cao. Mặt khác, cần tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả, mạnh tay xử lý tình trạng gian lận, làm giả, nhái thương hiệu,... để bảo vệ quyền lợi, công bằng cho các DN sản xuất thép chân chính.
Năm 2021, trước các cơ hội từ việc hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Theo đó, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các DN ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời việc nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối có ký các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế, hiện nay các DN thép trong nước vẫn còn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ dẫn đến việc sản xuất tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Ðó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều như hiện nay.
Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, đòi hỏi các DN ngành thép phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường,... Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại không đáng có. Từ đó, sẽ góp phần nhanh chóng giúp xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các DN mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu.